VTN đang đặt mục tiêu trở thành điểm trung chuyển viễn thông (Telecom Hub) cho các nước tiểu vùng sông Mê Kông và khu vực và cổng viễn thông (Telecom Gateway) kết nối đi quốc tế cho khu vực.
Ngày 22/3, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã có buổi thăm và làm việc với Công ty Viễn thông liên tỉnh (VTN). Buổi làm việc này nằm trong kế hoạch nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên VNPT, từ đó tiến hành tái cơ cấu tập đoàn cho phù hợp.
Ông Lương Mạnh Hoàng, Giám đốc VTN cho biết, VTN hiện quản lý hạ tầng viễn thông - mạng trục quốc gia lớn nhất của đất nước gồm: 20.000 km cáp quang; mạng truy cập băng rộng được xây dựng từ năm 2003, có POP tại 63/63 tỉnh/thành với dung lượng lớn hơn 1,5Tb, FTTH và MAN-E tại 63/63 tỉnh/thành đảm bảo cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao; kết nối cho hơn 4 triệu thuê bao băng rộng, hơn 30 triệu thuê bao 3G, dung lượng kết nối quốc tế hơn 200 Gbps; hệ thống cáp quang biển.
Theo ông Lương Mạnh Hoàng, VTN đang đặt mục tiêu trở thành điểm trung chuyển viễn thông (Telecom Hub) cho các nước tiểu vùng sông Mê Kông và khu vực và cổng viễn thông (Telecom Gateway) kết nối đi quốc tế cho khu vực. VTN sẽ củng cố và mở rộng hạ tầng mạng gồm hệ thống truyền dẫn trục Bắc - Nam, Tây Bắc, Đông Bắc, phía Nam mới và Trung tâm điều hành mạng viễn thông quốc gia và mở rộng kết nối tới các quốc gia trong khu vực.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, thời gian qua VTN đã quản lý rất tốt cơ sở hạ tầng viễn thông quan trọng của đất nước, bảo đảm nhiệm vụ an ninh quốc phòng. Khi làm việc song phương với các tổ chức quốc tế, Bộ TT&TT sẽ quan tâm hỗ trợ VNPT xây dựng chiến lược trở thành Telecom Hub. Tuy nhiên, VTN cần bảo đảm giá cước cạnh tranh, chất lượng để có thể cạnh tranh được với các điểm trung chuyển trong khu vực như Hong Kong, Singapore.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng cho rằng, Cơ chế 46 của VNPT đã đẩy doanh thu của VTN tăng gần 6 lần và khuyến khích được người lao động. nhưng cũng chỉ chiếm hơn 5% tổng doanh thu của VNPT. Vì vậy, nếu VTN thực hiện hạch toán theo cơ chế thị trường thì có thể hiệu quả còn cao hơn nữa và khi tính đúng tính đủ sẽ tăng lợi nhuận và doanh thu tương xứng với hạ tầng mà VTN đang quản lý. Chính vì vậy, những nhược điểm này sẽ được giải quyết trong đề án tái cơ cấu của VNPT tới đây với tinh thần “theo kỷ luật thị trường” như Thủ tướng đã yêu cầu áp dụng đối với các doanh nghiệp.
Người gửi / điện thoại
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN