Tái cơ cấu VinaPhone thuộc lộ trình tổng thể tái cơ cấu của VNPT. Và việc tái cơ cấu VNPT sẽ phải nằm trong cơ cấu chung của thị trường viễn thông Việt Nam theo hướng thúc đẩy cạnh tranh phát triển bền vững.
Sáng ngày 5/4/2013, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, Thứ trưởng Bộ T&TT Lê Nam Thắng cùng đại diện các đơn vị chức năng của Bộ đã tới thăm và làm việc với VinaPhone.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thua lỗ phá sản nhưng các doanh nghiệp viễn thông vẫn có được kết quả phát triển tốt, trong đó có vai trò đóng góp của VinaPhone. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng thẳng thắn nhận định rằng tuy VinaPhone vẫn duy trì tốc độ phát triển song chưa xứng với tiềm năng. Với thực tế hiện nay, VinaPhone phải giúp Tập đoàn VNPT chia sẻ lợi nhuận cho các viễn thông tỉnh, thành trong điều kiện những đơn vị này đang gặp khó khăn.
“Hiện nay, VinaPhone có cơ chế hạch toán phụ thuộc chưa phù hợp với yêu cầu thị trường, không thống nhất hạ tầng và bị chia cắt quản lý, chi phí cao. Nếu có cơ chế hợp lý VinaPhone sẽ phát triển tốt hơn, xứng với tiềm năng của nhà mạng này. Vì vậy, các đơn vị trong VNPT phải quan hệ với nhau trên cơ chế thị trường để đánh giá đúng hiệu quả kinh doanh thực sự. Thị trường viễn thông không có chỗ đứng cho doanh nghiệp yếu kém”, Bộ trưởng phát biểu.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, VinaPhone là thương hiệu quốc gia. Quá trình cơ cấu thị trường viễn thông sẽ phải giữ thương hiệu của 3 mạng di động là VinaPhone, MobiFone và Viettel. Sắp tới, Bộ sẽ chỉ đạo Tập đoàn VNPT tiến hành tái cơ cấu và sau đó trình Chính phủ đề án đó. Mục đích của tái cơ cấu là để phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính của VNPT, đồng thời thúc đẩy Tập đoàn phát triển mạnh hơn, đặc biệt là hai mạng di động VinaPhone và MobiFone. Nhưng tái cơ cấu VNPT phải tuân thủ đúng theo Luật Viễn thông, Nghị định 25 và theo quy hoạch thị trường viễn thông mà Thủ tướng đã phê duyệt (có ít nhất 3 mạng di động để cạnh tranh).
“Tái cơ cấu VNPT là nhiệm vụ quan trọng nên Bộ TT&TT sẽ làm việc và lấy ý kiến các đơn vị thành viên của Tập đoàn. Đây vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, công nhân viên để đóng góp công sức trí tuệ xây dựng đề án. Chúng ta phải tin tưởng vào tái cơ cấu để thúc đẩy VNPT mạnh hơn, xứng đáng là Tập đoàn Anh hùng”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, VinaPhone đóng vai trò tạo ra thế "chân vạc" cho thị trường di động Việt Nam, đồng thời chiếm giữ vị trí quan trọng trong VNPT. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thẳng thắn là VinaPhone có tốc độ phát triển và hoạt động hiệu quả thấp hơn các doanh nghiệp di động khác. Nguyên nhân đầu tiên do mô hình củaVinaPhone đang quan hệ hàng ngang với viễn thông tỉnh, thành nên không điều hành kịp thời khi có sự cố. Bên cạnh đó, mô hình quản lý này không phù hợp với mô hình cạnh tranh hiện nay khi cần phải thích ứng nhanh với thị trường. Vì vậy, nếu VinaPhone hạch toán độc lập thì hiệu quả sẽ cao hơn.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, tái cơ cấu VinaPhone sẽ phải nằm trong tổng thể cơ cấu của VNPT và việc tái cơ cấu VNPT nằm trong cơ cấu chung của thị trường viễn thông Việt Nam. Việc này phải có lộ trình rõ ràng để tránh gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, nhưng phải tuân thủ theo cơ chế thị trường. Nếu giải quyết được bài toán cơ cấu VinaPhone, cũng có nghĩa là giải được nửa bài toán cơ cấu VNPT.
Tại buổi làm việc, ông Lâm Hoàng Vinh, Giám đốc VinaPhone bày tỏ mong muốn Bộ TT&TT sớm có mô hình tái cơ cấu cho VinaPhone để cho các cán bộ, công nhân viên trong công ty yên tâm tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Vinh khẳng định, VinaPhone đã đặt mục tiêu phải tiếp tục giữ vị thế là một trong ba nhà mạng hàng đầu của thị trường dịch vụ thông tin di động ở Việt Nam, trở thành một trong những nhà khai thác viễn thông trụ cột quốc gia và chiếm thị phần khống chế trong thị trường các dịch vụ 3G.
Người gửi / điện thoại
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN